• Theo Nghị quyết 600B Hội nghị Dịch vụ Hàng hóa Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, điều kiện hợp đồng vận đơn hàng không được in ở mặt sau vận đơn hàng không. Đối với vận đơn hàng không giấy, với chữ ký của mình trên không vận đơn, người gửi hàng đồng thời xác nhận rằng họ đồng ý với Điều kiện Hợp đồng ở mặt sau của Vận đơn hàng không và đồng ý với Điều lệ vận chuyển hàng hóa. Đối với vận đơn hàng không điện tử, với chữ ký của mình trên tờ hướng dẫn gửi hàng (SLI), người gửi xác nhận rằng họ đồng ý với Điều kiện Hợp đồng này và các quy định được công bố tại website www.vietnamairlines.com.
  • Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hay không hiểu, vui lòng liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ bạn

THÔNG BÁO VỀ GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI VẬN CHUYỂN

Nếu việc vận chuyển mà đích đến cuối cùng hoặc có điểm dừng ở một quốc gia khác ngoài nước khởi hành, Công ước Montreal hoặc Công ước Warsaw có thể áp dụng đối với trách nhiệm của người vận chuyển về mất mát, hư hỏng hoặc chậm trễ hàng hóa. Hạn chế trách nhiệm pháp lý của Người vận chuyển theo các Công ước này sẽ được quy định tại khoản 4 trừ khi giá trị cao hơn được khai báo.


CÁC ĐIỀU KIỆN CỦA HỢP ĐỒNG


 

1.             Trong hợp đồng này và các thông báo, các khái niệm được hiểu như sau:

“Người vận chuyển” bao gồm người vận chuyển hàng không phát hành vận đơn hàng không và tất cả những người vận chuyển trực tiếp hoặc cam kết vận chuyển hàng hóa hoặc thực hiện bất kỳ các dịch vụ nào khác liên quan đến việc vận chuyển.

“Quyền rút vốn đặc biệt” (SDR) là một Quyền Rút vốn Đặc biệt được định nghĩa bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế. 

Công ước Vác-sa-va (Warsaw) có nghĩa là bất cứ văn kiện nào sau đây áp dụng với hợp đồng vận chuyển:

Công ước thống nhất những Quy tắc liên quan đến Vận chuyển hàng không quốc tế được ký kết tại Vác-sa-va ngày 12/10/1929;

Công ước đã được sửa đổi tại La hay ngày 28/9/1955;

Công ước đã được sửa đổi tại La hay năm 1955 và bởi Nghị định thư Montreal số 1,2 hoặc 4 (1975).

Công ước Montreal là Công ước thống nhất những Quy tắc về vận chuyển hàng không quốc tế, thực hiện tại Montreal ngày 28/5/1999.

 

2.

2.1. Việc vận chuyển chịu sự điều chỉnh của các quy tắc liên quan đến trách nhiệm quy định trong Công ước Vác-sa-va hoặc Công ước Montreal trừ khi việc vận chuyển đó không phải là “vận chuyển quốc tế” như đã được xác định theo Công ước áp dụng.

 

2.2. Nếu không mâu thuẫn với những điều nêu trên, việc vận chuyển và các dịch vụ có liên quan khác do mỗi người vận chuyển thực hiện chịu sự điều chỉnh của:

 

2.2.1. Luật áp dụng và các quy định của chính phủ;

 

2.2.2. Các điều khoản trong vận đơn hàng không, điều kiện vận chuyển của người vận chuyển và các nguyên tắc, quy định liên quan và lịch bay (nhưng không phải là thời gian khởi hành và thời gian đến trong lịch bay) và bảng giá áp dụng của người vận chuyển đó, là một phần của hợp đồng vận chuyển và có thể được kiểm tra tại bất kỳ sân bay hoặc văn phòng bán mà họ khai thác các dịch vụ thường lệ. Khi vận chuyển đi/đến Mỹ, người gửi và người nhận, khi có yêu cầu, sẽ được nhận miễn phí bản sao Điều kiện vận chuyển của người vận chuyển. Điều kiện vận chuyển của người vận chuyển bao gồm, nhưng không giới hạn bởi:

 

2.2.2.1. giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển về mất mát, hư hại hoặc chậm trễ hàng hoá, bao gồm cả hàng dễ vỡ hoặc hàng mau hỏng;

 

2.2.2.2. hạn chế về khiếu nại, bao gồm thời hạn mà người gửi hoặc người nhận phải đưa ra khiếu nại hoặc khởi kiện người vận chuyển vì những sai sót của họ hoặc đại lý của họ;

 

2.2.2.3. quyền, nếu có, của người vận chuyển đối với việc thay đổi các điều khoản hợp đồng của người vận chuyển;

 

2.2.2.4. các quy định về quyền từ chối vận chuyển của người vận chuyển;

 

2.2.2.5. quyền của người vận chuyển và các giới hạn liên quan đến chậm chuyến hoặc không thực hiện dịch vụ, bao gồm cả thay đổi lịch bay, thay đổi người vận chuyển hoặc thay đổi máy bay và hành trình.

 

3.             Những điểm dừng đã thỏa thuận (người vận chuyển có thể thay đổi nếu cần thiết) là những điểm ngoại trừ điểm xuất phát hoặc điểm cuối, được thể hiện trên Vận đơn hàng không hoặc trong lịch bay như là những điểm dừng theo lịch trình đã định. Việc vận chuyển được những người vận chuyển kế tiếp nhau thực hiện ở đây được xem như là một khai thác đơn.

 

4.             Đối với việc vận chuyển mà Công ước Montreal không áp dụng, giới hạn trách nhiệm pháp lý của người vận chuyển đối với hàng hoá bị mất, hư hỏng hoặc trì hoãn là 22 SDRs trên một kilogram trừ khi một mức giới hạn bằng tiền cho mỗi kilogram lớn hơn được quy định trong bất kỳ Công ước áp dụng hoặc trong bảng giá hoặc các điều kiện vận chuyển chung của người vận chuyển.

 

5.

5.1 Người gửi hàng phải bảo đảm thanh toán tất cả các khoản cước phí vận chuyển phù hợp với bảng giá, điều kiện vận chuyển của người vận chuyển, những quy định liên quan và các luật áp dụng (bao gồm luật quốc gia thực thi Công ước Vác sa va và Công ước Montreal), các quy định, quy chế và những yêu cầu của chính phủ, trừ khi người vận chuyển cho người nhận nợ mà không cần sự đồng ý bằng văn bản của người gửi.

 

5.2 Khi không có phần nào của lô hàng được giao, khiếu nại liên quan đến lô hàng đó có thể được chấp nhận cho dù cước phí vận tải của lô hàng đó chưa được thanh toán.

 

6.

6.1 Đối với hàng hoá được chấp nhận vận chuyển, Công ước Vác-sa-va hoặc Công ước Montreal cho phép người gửi tăng giới hạn trách nhiệm bằng cách kê khai giá trị vận chuyển cao hơn và trả thêm cước phí nếu được yêu cầu.

 

6.2 Đối với việc vận chuyển không áp dụng Công ước Vác-sa-va hoặc Công ước Montreal, theo các quy định trong điều kiện vận chuyển chung và giá cước áp dụng, người vận chuyển phải cho phép người gửi tăng giới hạn trách nhiệm bằng cách kê khai giá trị vận chuyển cao hơn và trả thêm cước phí nếu được yêu cầu.

 

7.

7.1 Trong trường hợp mất mát, hư hại hoặc chậm trễ một phần của lô hàng, trọng lượng xác định giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển chỉ là trọng lượng của kiện hàng hoặc những kiện hàng liên quan.

 

7.2 Bất kể những điều khoản khác, đối với “việc vận chuyển hàng không quốc tế” như định nghĩa trong Luật Hàng không dân dụng Mỹ:

 

7.2.1 Trong trường hợp mất mát, hư hại hoặc chậm trễ của lô hàng, trọng lượng được sử dụng để xác định giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển là trọng lượng được sử dụng để xác định cước vận chuyển cho lô hàng đó; và

 

7.2.2 Trong trường hợp mất mát, hư hại hoặc chậm trễ một phần của lô hàng, trọng lượng lô hàng nêu ở 7.2.1 sẽ được chia theo tỷ lệ của các kiện hàng cùng vận đơn hàng không mà giá trị bị ảnh hưởng bởi mất mát, hư hại hoặc chậm trễ. Trọng lượng áp dụng trong trường hợp mất mát hoặc hư hại của một hoặc nhiều hơn các vật phẩm trong một kiện hàng sẽ là trọng lượng của cả kiện hàng đó.

 

8.             Bất kỳ một sự loại trừ hoặc giới hạn trách nhiệm áp dụng cho người vận chuyển sẽ áp dụng cho các đại lý, nhân viên, đại diện của người vận  chuyển và bất kỳ ai mà tầu bay hoặc trang thiết bị của họ được người vận chuyển sử dụng để vận chuyển và đại lý, nhân viên và đại diện của họ.

 

9.             Người vận chuyển cam kết hoàn thành việc vận chuyển một cách hợp lý. Khi luật áp dụng, bảng giá và quy định chính phủ cho phép, người vận chuyển có thể sử dụng người vận chuyển hoặc máy bay thay thế và có thể sử dụng các phương tiện vận tải khác mà không cần thông báo trước nhưng phải lưu ý đầy đủ đến những lợi ích của người gửi hàng. Người vận chuyển được người gửi hàng ủy quyền lựa chọn hành trình hoặc các điểm dừng trung gian phù hợp hoặc thay đổi hành trình đã nêu trong vận đơn. 

10.        Việc nhận hàng mà không có khiếu nại của người có quyền nhận hàng là bằng chứng đầu tiên chứng tỏ hàng hoá được trả trong tình trạng tốt và tuân thủ hợp đồng vận chuyển.

 

10.1 Trong trường hợp mất mát, hư hại hoặc chậm trễ hàng hoá, người có quyền nhận hàng phải gửi khiếu nại bằng văn bản tới người vận chuyển. Những khiếu nại này phải được lập:

 

10.1.1 Trong trường hợp hàng hóa bị hư hại, ngay sau khi phát hiện hư hại và không muộn hơn là mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận hàng;

 

10.1.2  Trong trường hợp hàng hóa chậm trễ, trong vòng hai mươi mốt (21) ngày tính từ ngày hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người có quyền nhận hàng;

 

10.1.3 Trong trường hợp hàng hóa không giao được, trong vòng một trăm hai mươi (120) ngày kể từ ngày xuất vận đơn hàng không, hoặc nếu chưa xuất vận đơn, trong vòng 120 ngày kể từ ngày nhận hàng để vận chuyển của người vận chuyển.

 

10.2. Những khiếu nại này có thể gửi cho người vận chuyển đã phát hành vận đơn hàng không, hoặc cho người vận chuyển thứ nhất hoặc cho người vận chuyển cuối cùng hoặc cho người vận chuyển mà trong quá trình vận chuyển của họ xảy ra sự mất mát, hư hại hoặc chậm trễ.

 

10.3 Trừ khi có khiếu nại bằng văn bản được lập trong thời hạn nêu tại 10.1, mọi hình thức khiếu kiện khác đối với người vận chuyển đều không được chấp nhận. 

 

10.4 Quyền khiếu kiện người vận chuyển về hư hại của hàng hóa chỉ có hiệu lực trong vòng hai (2) năm kể từ ngày hàng đến điểm đến cuối cùng hoặc kể từ ngày mà tầu bay đáng lẽ phải đến điểm đến hoặc kể từ ngày việc vận chuyển kết thúc.

 

11.   Người gửi hàng phải tuân thủ mọi luật áp dụng và các quy định của chính phủ các quốc gia đi hoặc đến mà hàng hóa được vận chuyển, bao gồm cả các quy định có liên quan đến việc đóng gói, vận chuyển hoặc trả hàng và khi cần thiết phải cung cấp những thông tin đó và gửi kèm tài liệu cùng với vận đơn hàng không theo yêu cầu của luật áp dụng và quy định. Người vận chuyển sẽ không chịu trách nhiệm đối với người gửi hàng và người gửi hàng phải bồi thường những thiệt hại hoặc chi phí cho người vận chuyển do người gửi hàng không tuân thủ theo điều khoản này.

 

12.   Tất cả đại lý, nhân viên và người đại diện của người vận chuyển không được phép thay đổi, chỉnh sửa hoặc từ bỏ bất cứ điều khoản nào của hợp đồng này.